Văn bản trường


Hướng dẫn Khai lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên và phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên (Sau khi kết nạp)

1- Lý lịch đảng viên
Sau khi được kết nạp vào Đảng, đảng viên khai lý lịch để tổ chức đảng quản lý, cách khai như sau:
- Các nội dung từ 1 (họ và tên đang dùng) đến 21 (kỷ luật) ghi như hướng dẫn về khai lý lịch của người xin vào Đảng; riêng mục 22 (hoàn cảnh gia đình) phần khai về anh, chị em ruột, các con và anh, chị em ruột vợ (hoặc chồng) chỉ cần ghi họ và tên, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp; việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phần khai về ông, bà nội ngoại chỉ ghi những người có đặc điểm chính trị ảnh hưởng tốt, xấu với bản thân. Ví dụ: Là Lão thành cách mạng, Anh hùng... hoặc có tội ác, bị cách mạng xử lý.
- Mục 14. Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam:
+ Ngày cấp có thẩm quyền ra quyết định kết nạp: Ghi rõ ngày, tháng, năm cấp có thẩm quyền ra quyết định kết nạp vào Đảng CSVN.
+ Ngày và nơi kết nạp vào Đảng: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi tổ chức lễ kết nạp vào Đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).
- Mục 15. Ngày và nơi công nhận chính thức: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi được công nhận chính thức (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).
- Cam đoan - Ký tên: Ghi như mục 24 trong lý lịch của người xin vào Đảng.
- Chứng nhận của cấp ủy cơ sở: Có 2 mức chứng nhận:
+ Nếu cấp ủy đã thẩm tra, kết luận đúng sự thật thì ghi: “Chứng nhận lý lịch của đồng chí... khai tại đảng bộ, chi bộ cơ sở... là đúng sự thật”.
+ Nếu cấp ủy chỉ đối khớp với lý lịch của người xin vào Đảng hoặc lý lịch cũ của đảng viên thấy đúng thì ghi: “Chứng nhận lý lịch của đồng chí... theo đúng lý lịch của người xin vào Đảng (hoặc lý lịch cũ)”.
Ghi ngày, tháng, năm, chức vụ, họ và tên đồng chí bí thư hoặc phó bí thư, ký tên, đóng dấu của cấp ủy cơ sở.
Trường hợp cấp ủy cơ sở chưa có con dấu, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xác nhận chữ ký, ghi rõ chức vụ, ký tên, đóng dấu.
2- Khai Phiếu đảng viên (mẫu 2- HSĐV)
Sau khi được kết nạp vào Đảng, đảng viên khai Phiếu đảng viên để tổ chức đảng quản lý, cách khai như sau:
a) Khai các mục ở phần tiêu đề
- Ghi rõ tên đảng bộ tỉnh và tương đương, huyện và tương đương, đảng bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận và chi bộ đảng viên đang sinh hoạt đảng. Nếu là chi bộ cơ sở thì ghi tên chi bộ cơ sở vào dòng “Đảng bộ, chi bộ cơ sở”, không ghi vào dòng “chi bộ”.
- Số lý lịch đảng viên: Do tổ chức đảng quản lý hồ sơ đảng viên ghi theo hướng dẫn ở mục 1, phần II.
- S thẻ đảng viên: Ghi số thẻ đảng viên trong thẻ đảng đã được đổi hoặc phát từ khi thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 17-10-2003 của Ban Bí thư đến nay. Số thẻ đảng viên gồm 8 chữ số, mỗi chữ số được ghi vào một ô in sẵn trong phiếu đảng viên theo thứ tự từ trái sang phải. Ví dụ:

8 3   0 0 3 4 5 6
 

- Ảnh của đảng viên: ảnh màu, kiểu chân dung, 3x4 cm. Đảng viên trong lực lượng vũ trang là ảnh mặc quân phục thu đông, đội mũ kê-pi.
b) Khai các mục trong phần nội dung
1. Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
2. Nam, nữ: Là nam thì ghi chữ “Nam”, là nữ thì ghi chữ “Nữ”.
3. Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
Các mục: 4 (sinh ngày), 5 (nơi sinh), 6 (quê quán), 7 (nơi cư trú), 8 (dân tộc), 9 (tôn giáo): Ghi như nội dung tương ứng các mục (5, 6, 7, 8, 9, 10) trong lý lịch của người xin vào Đảng (nêu tại điểm 1.3 mục I).
Mục 10 (thành phần gia đình): Ghi thành phần giai cấp của cha hoặc mẹ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ theo quy định trong cải cách ruộng đất năm 1954 (ở miền Bắc) hoặc trong cải tạo công, nông, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh, thành phía Nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản... Nếu thành phần gia đình không được quy định ở các thời điểm nêu trên và hiện nay thì bỏ trống mục này.
11. Nghề nghiệp hiện nay, ghi rõ: Công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên văn phòng, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp; học sinh, sinh viên hoặc chưa có việc làm v.v...
12. Ngày vào Đảng và ngày chính thức: Ghi ngày tháng năm chi bộ tổ chức lễ kết nạp vào Đảng, được công nhận là đảng viên chính thức (như trong lý lịch đảng viên). Tại chi bộ: ghi rõ tên chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Người giới thiệu vào Đảng: Ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của từng người giới thiệu mình vào Đảng, hiện nay đang ở đâu; nếu ban chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu thì ghi rõ tên tổ chức đoàn thanh niên cơ sở và tổ chức đoàn thanh niên cấp trên trực tiếp (nếu ban chấp hành công đoàn cơ sở giới thiệu thì cũng viết nội dung tương tự).
13. Ngày được tuyển dụng:
Ghi rõ ngày tháng năm, tên và địa chỉ cơ quan, đơn vị tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân...
- Tham gia cách mạng trước 19-8-1945: Ghi ngày tháng năm tham gia hoạt động trong một tổ chức hoặc một đoàn thể do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
- Từ 20-8-1945 đến 7-1954: Ghi ngày tháng năm tham gia hoạt động trong một cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương; Đảng Lao động Việt Nam; tham gia hoạt động trong hệ thống chính quyền, đoàn thể từ cấp cơ sở trở lên; ngày vào làm việc trong cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.
- Từ 8-1954 đến 30-4-1975: Các tỉnh phía Bắc (từ Vĩnh Linh, Quảng Bình trở ra): ghi ngày tháng năm được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, chính quyền, các đoàn thể chính trị, cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang... của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các tỉnh phía Nam ghi ngày tháng năm vào hoạt động trong một cơ quan, một tổ chức chính quyền, đoàn thể từ cấp cơ sở thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam hay của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; hoặc ngày được cách mạng giao nhiệm vụ rõ ràng và hoạt động liên tục.
- Từ 01-5-1975: Ghi ngày tháng năm được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam; chính quyền, các đoàn thể chính trị, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đối với một số chức danh chủ chốt của Đảng, chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn (sau 7-1954 ở miền Bắc và sau 4-1975 ở miền Nam đến ngày Nhà nước ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức (ngày 26-02-1998) như: Chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thư ký UBND; bí thư, phó bí thư, ủy viên thường trực đảng ủy xã, phường; xã đội trưởng, xã đội phó, chính trị viên trưởng, chính trị viên phó xã đội; trưởng và phó ban công an, an ninh xã) liền sau đó được tuyển vào cơ quan, đơn vị thành công nhân, viên chức... thì ngày tuyển dụng được tính từ ngày được hưởng lương thuộc ngân sách nhà nước.
- Từ ngày 26-02-1998 đến 31-12-2009: Ghi ngày tháng năm được tuyển dụng làm cán bộ, công chức theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức.
- Từ ngày 01-01-2010 trở đi: ghi ngày tháng năm được tuyển dụng làm cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức.
- Từ ngày 01-01-2012 trở đi: ghi ngày tháng năm được tuyển dụng làm viên chức theo quy định của Luật Viên chức.
14. Ngày vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Ghi ngày tháng năm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
15. Ngày tham gia các tổ chức xã hội khác như: Công đoàn, hội nông dân, hội chữ thập đỏ, hội liên hiệp thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ...
16. Ngày nhập ngũ, xuất ngũ: Ghi ngày quyết định nhập ngũ (tham gia quân đội, công an hoặc thanh niên xung phong, làm nghĩa vụ quân sự hoặc bảo đảm giao thông), quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội, công an, thanh niên xung phong. Nếu đã xuất ngũ thì ghi rõ ngày phục viên, chuyển ngành, nghỉ hưu. Nếu tái ngũ thì ghi đầy đủ ngày tháng năm các lần xuất ngũ, tái ngũ.
17. Trình độ hiện nay: Ghi như nội dung mục 12 “trình độ hiện nay” trong lý lịch của người xin vào Đảng.
18. Tình trạng sức khỏe: Ghi tình hình sức khoẻ bản thân hiện nay: tốt, trung bình, kém; bệnh mãn tính...
- Thương binh loại: Ghi rõ thương binh loại nào. Nếu được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đánh dấu “X” vào ô tương ứng.
19. Số chứng minh thư: Ghi số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân đã được cấp.
20. Được miễn công tác và sinh hoạt đảng thì ghi rõ ngày, tháng, năm, thời gian được miễn.
21. Tóm tắt quá trình hoạt động và công tác:
Ghi rõ từng giai đoạn: Từ tháng năm nào đến tháng năm nào; làm nghề gì, giữ chức vụ gì ở các cơ quan, đơn vị nào... theo trình tự thời gian, liên tục; nếu có thời gian gián đoạn phải ghi rõ lý do.
22. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ...:
Ghi rõ học trường nào, chuyên ngành gì, thời gian từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào. Hình thức học là chính quy hay tại chức...; đã được cấp bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ tốt nghiệp, tên văn bằng hoặc chứng chỉ.
23. Khen thưởng: Ghi rõ tên, hạng huân chương, huy chương được Nhà nước tặng (kể cả huân chương, huy chương nước ngoài) và bằng khen được tặng; tháng  năm được tặng.
24. Được tặng Huy hiệu Đảng: Được tặng Huy hiệu Đảng 30, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90 năm, thì đánh dấu x vào các ô tương ứng.
25. Danh hiệu được phong: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân..., được phong năm nào.
26. Kỷ luật: Ghi rõ hình thức kỷ luật Đảng (khai trừ, cách chức, cảnh cáo, khiển trách); kỷ luật hành chính (buộc thôi việc, cách chức, cảnh cáo, khiển trách, giáng chức, hạ bậc lương...); tên cơ quan quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật. Nếu đã được sửa án kỷ luật thì ghi rõ lý do, cấp nào ra quyết định...
27. Đặc điểm lịch sử bản thân:
a) Bị khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên; xin ra khỏi Đảng: Thời gian, lý do, tại chi bộ, đảng bộ nào?
b) Được kết nạp lại vào Đảng: Ghi như mục 13 nêu trên.
c) Được khôi phục đảng tịch: Ghi rõ ngày tháng năm, tại chi bộ, đảng bộ nào? Lý do được khôi phục và cấp ủy đảng ra quyết định.
d) Bị xử lý theo pháp luật (ghi rõ: Tù giam, án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo..., cấp nào quyết định, do chính quyền nào, từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu).
đ) Bản thân có làm việc trong chế độ cũ (cơ quan, đơn vị nào, địa điểm, chức danh, chức vụ, thời gian làm việc...).
28. Quan hệ với nước ngoài:
a) Đã đi nước ngoài: Những nước nào, thời gian đi, đi làm gì, cấp nào cử đi (chỉ ghi những lần đi nước ngoài từ 3 tháng trở lên).
b) Tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, trụ sở đặt ở đâu...?).
c) Có thân nhân (cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con, anh chị em ruột) ở nước ngoài (ghi rõ: họ và tên, quan hệ, tên nước đang ở, làm gì, địa chỉ...).
29. Quan hệ gia đình:
Ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, nơi ở hiện nay (trong, ngoài nước) của cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng (hoặc người nuôi dưỡng bản thân từ nhỏ); vợ hoặc chồng, anh chị em ruột và các con đẻ, con nuôi.
30. Hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình: Ghi tại thời điểm kê khai.
+ Tổng thu nhập của hộ gia đình (trong 1 năm): Gồm lương, các nguồn khác của bản thân và của các thành viên cùng sinh sống chung trong một hộ gia đình về kinh tế.
+ Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh (ghi rõ nguồn gốc: nhà được cấp, được thuê, tự mua, tự xây dựng, nhà được thừa kế, nhà được tặng hoặc cho; đất được giao quyền sử dụng, đất được thừa kế, đất do chuyển nhượng, đất được thuê... tổng diện tích) của bản thân và của các thành viên khác cùng sinh sống chung trong một hộ gia đình (thành viên nào đã ra ở riêng thì không khai ở đây).
+ Hoạt động kinh tế: Ghi rõ kinh tế cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, chủ trang trại..., số lao động thuê mướn.
+ Những tài sản có giá trị lớn: Ghi những tài sản của bản thân và hộ gia đình có giá trị 50 triệu đồng trở lên như ô tô, tàu, thuyền...
Lưu ý: Cấp ủy cơ sở đóng dấu giáp lai tất cả các trang trong lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên bằng con dấu ướt của cấp ủy; đóng dấu giáp lai vào ảnh trong lý lịch đảng viên và phiếu đảng viên bằng con dấu nổi của cấp ủy.
3- Khai phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên (mẫu 3- HSĐV)
a) Các mục ở phần tiêu đề ghi như nội dung tương ứng trong phiếu đảng viên.
b) Các mục trong phần nội dung: Chỉ ghi những mục có nội dung thay đổi so với năm trước, những mục không có thay đổi so với năm trước thì ghi vào mục đó chữ “K”. Các mục đã có chỉ dẫn thì ghi theo chỉ dẫn trong phiếu, các mục còn lại ghi như hướng dẫn khai phiếu đảng viên.
c) Sử dụng và quản lý phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên:
- Chi ủy, chi bộ hướng dẫn, thu nhận, kiểm tra, xác nhận phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên, ghi bổ sung những thay đổi vào danh sách đảng viên của chi bộ và chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên đảng ủy cơ sở (nếu là chi bộ cơ sở thì chi ủy xác nhận vào mục của cấp ủy cơ sở).
- Cấp ủy cơ sở ghi bổ sung những thay đổi vào lý lịch đảng viên và danh sách đảng viên của đảng bộ, chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên cấp ủy cấp trên trực tiếp.
- Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng kiểm tra, thu nhận phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên; bổ sung những thay đổi vào phiếu đảng viên, lý lịch đảng viên, danh sách đảng viên và cơ sở dữ liệu đảng viên; lưu giữ phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên cùng với hồ sơ đảng viên, nếu cấp ủy cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên thì chuyển phiếu cho cấp ủy cơ sở.

THPT Nam Hà