Mấy ngày qua mưa lớn cộng với việc hồ thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ khiến hàng trăm nghìn gia đình ở vùng hạ du ngập nặng, 22 người đã chết.
Tại Thừa Thiên - Huế, hai nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền trong những ngày qua đã không thể tích nước cắt lũ mà liên tục mở cửa xả. Chỉ trong đêm mùng 5, nước lũ tràn về vùng hạ lưu và sáng mùng 6 khắp thành phố Huế, các huyện Phú Vang, Quảng Điền mênh mông nước.
Ông Nguyễn Minh Phụng, trú tại khu quy hoạch Kiểm Huệ, thành phố Huế, cho biết chưa bao giờ phải chứng kiến một trận lụt nào bất ngờ như thế. Trời không mưa nhưng nước cứ ùn ùn kéo về. "Chấp nhận là vùng thượng nguồn có mưa nhưng thủy điện đóng vai trò cắt lũ thì lại xả làm nhiều vùng dân cư bị ngập nặng”, ông Phụng vừa lội bì bõm trong căn nhà ngập hơn một mét vừa nói.
Giải thích về việc này, ông Đinh Hữu Tấn, Phó tổng giám đốc Nhà máy thủy điện Bình Điền, cho biết hồ thủy điện đã cắt lũ trong đợt thứ nhất và thứ hai. "Đến ngày 5/11, lượng nước về hồ đã vượt tràn 3,3 m nên chúng tôi phải xả nhằm đảm bảo an toàn cho đập", ông Tấn nói và khẳng định việc xả lũ phía thủy điện đã tuân thủ theo sự điều hành của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, nhìn nhận do thủy điện là công trình đảm bảo đa mục tiêu nên luôn có những thuận lợi và khó khăn. "Hai đợt lũ trước các thủy điện đã tích nước cắt lũ. Lần này do mưa quá lớn nên họ thông báo xả lũ, chúng tôi cũng đã thông báo lên tivi cho người dân chủ động đối phó. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tìm mọi cách điều tiết lũ tốt hơn”.
Tại Quảng Nam, Ban quản lý công trình thủy điện sông Tranh 2 đã cho xả lũ từ một tháng qua. Tuy nhiên đến ngày 7/11, họ đồng loạt mở 6 cửa xả với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s. Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định mưa lớn kèm theo xả lũ thủy điện với lưu lượng lớn đã gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu. Hàng trăm nghìn hộ dân ở các huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An... bị ngập.
Phờ phạc vì chỉ đạo chống lũ những ngày qua, ông Lê Ngọc Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn khàn giọng: "Lũ tràn về nhanh quá khiến người dân trở tay không kịp. Lương thực, gia súc, gia cầm trôi nhiều vô kể".
Mỗi lần Ban quản lý thủy điện sông Tranh 2 xả lũ thì Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam fax văn bản thông báo trước 3-4 giờ. Theo ông Trung, nếu tính từ cửa xả của thủy điện sông Tranh 2 đến huyện Nông Sơn vài chục km thì khoảng thời gian thông báo như trên là quá ngắn, người dân không kịp đối phó.
Tại Phú Yên, chính quyền địa phương và người dân đang bức xúc trước quy định về thời gian thông báo trước khi xả lũ của Ban quản lý thủy điện sông Ba Hạ. Tối qua, nhà máy này xả lũ với lưu lượng 1.400 m3/s, thuỷ điện Sông Hinh xả 200 m3/s. Hiện nhiều xã tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hoà vẫn bị lũ cô lập, nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị chia cắt.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, khi phát hiện sự bất cập trong quy định thời gian thông báo xả lũ, tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy điều chỉnh. Ông Trúc nhẩm tính, từ thủy điện sông Ba Hạ đến cửa sông Đà Rằng, TP Tuy Hòa hơn 60 km, nếu phải xả lũ mà thông báo trước 2 giờ thì người dân, chính quyền địa phương không kịp ứng phó.
Từ góc độ của chuyên gia thủy văn, bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết trong quá trình xây dựng quy chế vận hành hồ thủy điện sông Ba Hạ, nhiều ý kiến đề nghị các nhà máy thủy điện phải báo trước tối thiểu 6 giờ trước khi xả lũ để người dân và các cấp chính quyền vùng hạ du triển khai các biện pháp ứng phó.
"Tuy nhiên, vì dự báo mưa và lũ tại khu vực miền Trung đang là một thách thức lớn đối với ngành khí tượng nước nhà nên cuối cùng đã quyết định các hồ thủy điện này chỉ thông báo trước khi xả lũ tối thiểu là hai giờ", bà Lan nói.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, mưa lũ từ ngày 5/11 đến nay đã làm 22 người chết, gồm: Thừa Thiên Huế 1, Đà Nẵng 3, Quảng Nam 17, Quảng Ngãi 1. Có 2 người mất tích, gồm Quảng Nam 1, Bình Định 1. Tổng số nhà bị ngập là 117.000, tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại gần 660 ha.