Mỗi ngày một thông tin pháp luật

NỘI DUNG

    5 Luật mới về khoa học, công nghệ

     

    Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đã thông qua 5 dự luật về khoa học, công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo.

    Năm Luật mới được thông qua gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi); Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

    Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

    Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) gồm 73 điều và có hiệu lực từ ngày 01/10/2025.

    Việc ban hành Luật KHCN&ĐMST được đánh giá là bước đột phá trong việc thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là Nghị quyết 57 về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, Nghị quyết 66 về phát triển kinh tế tri thức và Nghị quyết 68 về đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN.

    Luật KHCN&ĐMST có nhiều điểm mới, trong đó ĐMST lần đầu tiên, được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KH&CN. Đây là một sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Chuyển mạnh mẽ tư duy quản lý từ kiểm soát quy trình và đầu vào sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro. Có cơ chế cho việc thử nghiệm có kiểm soát, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Hiệu quả tổng thể sẽ được đo lường, lấy kết quả làm căn cứ phân bổ nguồn lực.

    Luật xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Ngân sách nhà nước đầu tư sẽ có trọng tâm, ưu tiên cho các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước. KHCN&ĐMST sẽ lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ và xác định các bài toán nghiên cứu liên quan. Đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

    Lần đầu tiên, Luật dành một chương riêng (Chương IV) để quy định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp được khuyến khích mạnh mẽ đầu tư cho R&D, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc vốn mồi. Các khoản chi cho R&D của doanh nghiệp sẽ được hạch toán như chi phí sản xuất kinh doanh, và còn được tính khấu trừ thuế.

    Luật chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.

    Luật Công nghiệp công nghệ số

    Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 6 chương, 51 điều, quy định về phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực từ ngày 1-1-2026.

    Luật Công nghiệp công nghệ số thể chế hóa các chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị như: thúc đẩy, ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài công nghệ số; phát triển hạ tầng công nghệ số thiết yếu, dùng chung; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế đặt hàng và xây dựng khung pháp lý về thử nghiệm có kiểm soát...

    Bên cạnh đó, Luật quy định địa phương có chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực công nghiệp công nghệ số làm việc tại các dự án nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, chip bán dẫn, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực chất lượng cao; chi phí đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

    Luật cũng quy định một số chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, trong đó huy động nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, thiết kế, chuyển giao công nghệ; từng bước làm chủ công nghệ số; xây dựng hạ tầng công nghiệp công nghệ số dùng chung quy mô vùng, quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động công nghiệp công nghệ số.

     Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi) và Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi)

    Luật Chất lượng hàng hóa (sửa đổi) gồm 3 Điều, 27 khoản; sửa đổi 29 Điều, bổ sung 14 Điều mới, bỏ 34 Điều, 3 khoản của 02 Điều. Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi) đã chỉnh sửa 31 điều, bổ sung 11 Điều mới, bãi bỏ 23 Điều. Đây là hai đạo luật quan trọng, đánh dấu sự đổi mới toàn diện về tư duy và phương thức quản lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Cả 2 luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

    Đối với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi), lần đầu tiên Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; lần đầu tiên thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Một nội dung rất quan trọng khác của Luật là quy định nguyên tắc "một sản phẩm - một quy chuẩn" trên toàn quốc để chấm dứt tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý.

    Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện thủ tục, Luật chỉnh lý quy định về đăng ký hợp quy theo hướng tối giản. Tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo công bố hợp quy trên cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

    Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi) có ba điểm mới, cụ thể: Chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro; chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ; chuyển từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

    Luật cũng quy định, truy xuất nguồn gốc là bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm có mức độ rủi ro cao, với lộ trình thực hiện do Bộ và các cơ quan liên quan xác định. Luật cũng có những quy định cụ thể về bảo đảm chất lượng hàng hóa kinh doanh trên các nền tảng số và sàn thương mại điện tử.

    * Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

    Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 08 Chương 73 Điều. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

    Một điểm đáng chú ý là điện hạt nhân được xác định là chiến lược quốc gia, đáp ứng tiêu chí năng lượng sạch, góp phần vào mục tiêu giảm phát phát thải carbon, bảo đảm nhu cầu và an ninh năng lượng quốc gia.

    Luật quy định hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng phải do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn của IAEA, Quản lý toàn bộ vòng đời, qua tất cả các giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ phê duyệt dự án, lựa chọn địa điểm, xây dựng, vận hành thử, vận hành cho đến giai đoạn đóng cửa. 

    Luật cũng thiết kế riêng một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, đồng thời phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích dân sinh trong các lĩnh vực, tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân.

    Phạm Thị Hương Sen

    Sở Khoa học và Công nghệ

     

    Lượt xem: 2

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     27,412